Trong hành trình kéo dài 21 ngày liên tục, nhóm khảo sát đã có mặt tại ba xã Yang Mao, Cư Pui và Cư Drăm thuộc vùng đệm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (VQG CYS), với mục tiêu thu thập thông tin về kiến thức, thái độ và hành vi của người dân, giáo viên và học sinh tại địa phương nhằm phục vụ cho việc thiết kế các hoạt động giáo dục và nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học. Các sản phẩm giáo dục hướng đến sau khảo sát bao gồm triển lãm di động về đa dạng sinh học, bộ giáo cụ giảng dạy tích hợp kiến thức về bảo tồn, và chuỗi hoạt động “vui mà học” nhằm tăng mức độ tiếp cận và thấu hiểu của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác bảo tồn thiên nhiên tại VQG Chư Yang Sin nói riêng và Việt Nam nói chung. 

Trong quá trình khảo sát, nhóm đã tiến hành khảo sát định lượng với 220 người dân và 350 học sinh khối 6 và 7 tại ba xã, đồng thời thực hiện phỏng vấn sâu với 7 giáo viên tại các điểm trường trung học cơ sở. Thông tin thu thập giúp làm rõ hiện trạng nhận thức và kỳ vọng học tập của các nhóm đối tượng khác nhau, từ đó xác định các nội dung và hình thức truyền tải phù hợp.

Ngoài các hoạt động khảo sát chính thức, nhóm cũng ghi nhận những yếu tố liên quan đến thực tiễn bảo tồn tại địa phương, như việc phát hiện một số điểm bán bẫy tại các chợ trung tâm xã và trong khu dân cư cùng với cửa hàng trang sức có bán vật phẩm được cho là móng gấu và nanh lợn rừng. Đây là những phát hiện cho thấy mức độ phổ biến của các hành vi có nguy cơ xâm hại tới động vật hoang dã, đồng thời là cơ sở để tăng cường nội dung giáo dục về pháp luật và đạo đức bảo tồn trong thời gian tới.

Chuyến đi cũng ghi dấu ấn bởi sự đồng hành nhiệt tình và hỗ trợ quý báu từ phía cán bộ VQG CYS, ban giám hiệu các trường học, các buôn trưởng và người dân tại các buôn làng. Sự tiếp cận thuận lợi, sự chia sẻ cởi mở và thiện chí hợp tác của cộng đồng đã tạo điều kiện cho nhóm khảo sát hoàn thành các hoạt động một cách hiệu quả, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc phối hợp đa bên trong công tác bảo tồn. 

Tổng thể, khảo sát lần này không chỉ là bước khởi đầu cho việc thiết kế các sản phẩm giáo dục thực tiễn, mà còn góp phần gắn kết các bên liên quan trong mạng lưới bảo tồn ở vùng đệm VQG Chư Yang Sin. Trong thời gian tới, các nội dung giáo dục được phát triển dựa trên kết quả khảo sát sẽ được thử nghiệm và điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả truyền thông tốt nhất, góp phần thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm và hành vi tích cực của cộng đồng đối với bảo tồn đa dạng sinh học. 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *