TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC
CHO CỘNG ĐỒNG ĐỊA PHƯƠNG & DÂN TỘC THIỂU SỐ

 

HỖ TRỢ CỘNG ĐỒNG – BẢO VỆ NGUỒN SỐNG

HÀNH ĐỘNG VÌ THIÊN NHIÊN NGAY!

THIÊN NHIÊN HỒI SINH
KHI CỘNG ĐỒNG LÊN TIẾNG

Giữa những cánh rừng đại ngàn của Vườn quốc gia Chư Yang Sin, có những bước chân âm thầm dưới từng tán cây cổ thụ. Đó không chỉ là những kiểm lâm thực hiện nhiệm vụ, mà còn là những thành viên của chính cộng đồng H’Mông – những người từng săn bắn để sinh tồn, nay trở thành những người bảo vệ rừng.
 
Hành trình của họ – từ việc dựa vào thiên nhiên để mưu sinh đến việc chủ động gìn giữ và bảo vệ rừng – chính là tinh thần cốt lõi trong sứ mệnh của WildAct: tăng cường năng lực cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số, giúp họ trở thành những người dẫn dắt trong công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học.

VƯỜN QUỐC GIA CẦN CÓ NGƯỜI BẢO VỆ

 
Chư Yang Sin là một trong những khu rùng có đa dạng sinh học lớn nhất tại khu vực Nam Trường Sơn. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động vật cực kỳ nguy cấp như Mang Lớn và thỏ vằn Trường Sơn, nhưng cũng là chiến trường đầy cam go giữa bảo tồn và các mối đe dọa từ săn bắt và khai thác rừng trái phép.
 
Dù tận tâm với công việc, lực lượng kiểm lâm tại đây lại quá mỏng – một kiểm lâm phải phụ trách gần 600 ha rừng rậm, đối mặt với vô vàn nguy hiểm từ lâm tặc và thợ săn.
 
Với mật độ bẫy lên đến 6,32 chiếc/km² tại Chư Yang Sin (khảo sát của WildAct vào năm 2022), bẫy động vật là mối đe dọa bậc nhất tại dãy Trường Sơn. Do đó, việc giảm thiểu tác động của nạn săn bắt trái phép là quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo sự sống còn của đa dạng sinh học nơi đây.
 
Trong nhiều năm, các nỗ lực bảo tồn tại Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thực thi pháp luật, nhưng chỉ thực thi thôi là chưa đủ. Vườn quốc gia không có đủ nhân sự để giám sát và bảo vệ một khu rừng rộng lớn. Trong khi đó, nững người hiểu rõ khu rừng nhất – chính là cộng đồng địa phương – lại chưa được trao cơ hội để tham gia bảo tồn.

TỪ NGƯỜI SĂN BẮT THÀNH NGƯỜI GIỮ RỪNG

Như nhiều cộng đồng khác sống ở vùng đệm của Chư Yang Sin, người H’Mông từ lâu đã xem rừng là nguồn sống của mình. Họ là những thợ săn lành nghề, những người có thể di chuyển thành thạo trong rừng sâu và hiểu biết cặn kẽ về nơi này. Dù săn bắn là một phần trong tập quán sinh tồn của họ, hoạt động này đã góp phần làm suy giảm đa dạng sinh học – từ đặt bẫy, săn bắt đến khai thác gỗ.
 
Những năm gần đây, số lượng người đồng bào số bị bắt giữ vì săn bắn và buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam ngày càng tăng. Ở Chư Yang Sin, một kiểm lâm từng bị bắn nhiều phát đạn khi tuần tra, khiến anh bị thương nặng và làm gia tăng căng thẳng giữa lực lượng kiểm lâm và cộng đồng địa phương. Đầu năm 2022, bảy kiểm lâm bị năm thợ săn truy đuổi và nổ súng vào họ trong lúc tuần tra. May mắn không ai bị thương, nhưng vụ việc này càng cho thấy những hiểm nguy mà kiểm lâm phải đối mặt mỗi ngày.
 
Những trường hợp này không chỉ phản ánh sự nguy hiểm trong công tác bảo tồn, mà còn cho thấy hậu quả sâu rộng của nạn săn trộm – không chỉ làm suy kiệt đa dạng sinh học mà còn gây xung đột trong cộng đồng, đe dọa sự an toàn và trật tự xã hội.
 
Thay vì áp đặt những lệnh cấm cứng nhắc khiến cộng đồng ngày càng xa rời bảo tồn, WildAct nhìn thấy một cơ hội: Điều gì sẽ xảy ra nếu chính những người thợ săn được tạo điều kiện trở thành những người bảo vệ rừng?
 
Với tầm nhìn đó, WildAct đã hợp tác cùng Vườn quốc gia Chư Yang Sin và chính quyền địa phương để nâng cao năng lực đào tạo và tạo cơ hội trao quyền cho người đồng bào, giúp họ chuyển từ người săn bắt thành những người bảo vệ rừng thực thụ.

VINH DANH ĐỘI NGŨ KIỂM LÂM

Giữa những cánh rừng sâu thẳm, những người bảo vệ rừng vẫn âm thầm làm nhiệm vụ, đối diện với bao hiểm nguy. Thấu hiểu những cống hiến của họ, WildAct đã khởi xướng Giải thưởng “Người Giữ Rừng Chư Yang Sin” nhằm tôn vinh và tiếp thêm động lực cho những người bảo vệ rừng thầm lặng. 
 
Với sáng kiến này, chúng tôi mong muốn:

Tôn vinh những người bảo vệ rừng vì những cống hiến của họ trong công cuộc bảo vệ động vật hoang dã và rừng xanh.

Lan tỏa nhận thức và khơi dậy sự trân trọng của cộng đồng đối với những cống hiến thầm lặng của họ.

Truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên dân tộc thiểu số, để họ thấy rằng bảo tồn không chỉ là một sứ mệnh ý nghĩa mà còn là một con đường sự nghiệp đáng tự hào.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tích cực ủng hộ Vườn quốc gia Chư Yang Sin tuyển dụng thêm người đồng bào thiểu số tham gia vào lực lượng kiểm lâm, đảm bảo rằng tri thức bản địa và hiểu biết sâu sắc về sinh thái truyền thống sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn.

ĐỘI BẢO TỒN CỘNG ĐỒNG (CCT)

Với sáng kiến về Đội Bảo Tồn Cộng Đồng (CCT), người dân H’Mông địa phương không chỉ được tuyển dụng, đào tạo và trang bị kỹ năng, mà còn có cơ hội đồng hành cùng kiểm lâm trong hành trình bảo vệ rừng.
 
Từ những người ngoài cuộc, họ nay đã trở thành những “nhà bảo tồn” thực thụ – bảo vệ động vật hoang dã và chính khu rừng đã nuôi sống họ qua bao thế hệ.
 
Chúng tôi đã làm điều đó như thế nào?

Tập huấn tăng cường năng lực cho người dân địa phương về giám sát động vật hoang dã, kỹ thuật tuần tra và bảo tồn đa dạng sinh học.

Tạo sinh kế thay thế để giảm sự phụ thuộc vào săn bắn và khai thác rừng.

Kết hợp tri thức truyền thống với các phương pháp bảo tồn khoa học.

Kết quả thật đáng kinh ngạc. Những người từng là thợ săn ngày nào giờ đây trở thành những người bảo vệ rừng – họ theo dõi động vật hoang dã, tháo gỡ bẫy, nâng cao nhận thức và báo cáo các hoạt động phi pháp.
 
Với cộng đồng, rừng không còn chỉ là nơi để mưu sinh, mà còn là một phần của trách nhiệm và niềm tự hào. Họ hiểu rằng chính mình đang góp phần định hình tương lai của những cánh rừng quê hương – không chỉ cho hôm nay, mà cho cả thế hệ mai sau.

NÂNG CAO NĂNG LỰC CỘNG ĐỒNG = BẢO VỆ THIÊN NHIÊN

Khi đồng hành cùng cộng đồng người đồng bào địa phương, chúng tôi không chỉ giảm thiểu nạn săn trộm hay khai thác rừng trái phép. Chúng tôi đang hỗ trợ những người sống gần gũi với thiên nhiên nhất trở thành những người dẫn dắt công cuộc bảo tồn.
 
Cách tiếp cận này không chỉ bảo vệ các loài và hệ sinh thái, mà còn củng cố sức mạnh cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa và thúc đẩy kinh tế địa phương. Cộng đồng sinh sống tại khu vực vùng đệm của Vườn Quốc Gia Chư Yang Sin trở thành những “nhà bảo tồn” thực thụ, những người ra quyết định và canh giữ chính cánh rừng quê hương của mình.
 
Thông qua giáo dục, sinh kế bền vững và sự tham gia chủ động, WildAct đảm bảo rằng cộng đồng địa phương và dân tộc thiểu số không chỉ là người hưởng lợi từ bảo tồn – mà chính họ là những người kiến tạo và dẫn dắt tương lai của thiên nhiên.
 
Cùng nhau, chúng ta đang chứng minh rằng bảo tồn chỉ thực sự bền vững khi được dẫn dắt bởi những con người xem rừng là nhà.

274%

Tăng hiệu quả phát hiện & tháo dỡ bẫy thú so với cách tuần tra truyền thống

916%

Tăng hiệu quả phát hiện các lều lán thợ săn trái phép so với cách tuần tra truyền thống

177%

Giảm thiểu thời gian
tuần tra

200%

Tăng số lần xuất hiện trên các bản tin quốc gia và địa phương.