CHƯƠNG TRÌNH TRƯỜNG HỌC VÀ CỘNG ĐỒNG

TẠI SAO CẦN CÓ SỰ THAM GIA CỦA TRƯỜNG HỌC VÀ CỘNG ĐỒNG VÀO CÔNG TÁC BẢO TỒN?

Việt Nam là một trong 16 quốc gia có mức độ đa dạng sinh học cao nhất trên toàn cầu. Việt Nam có nhiều loài sinh vật đặc hữu, không thể tìm thấy ở đâu trên thế giới. Tuy nhiên trong những thập kỷ gần đây, tốc độ gia tăng dân số, đô thị hóa, cùng với hệ lụy từ các cuộc xung đột trong quá khứ, nạn phá rừng và khai thác quá mức đã đẩy nhiều loài đến nguy cơ tuyệt chủng. Để bảo tồn sự đa dạng thiên nhiên ở Việt Nam, cần phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, thường xuất phát từ nghèo đói, thiếu hiểu biết, vấn đề bất bình đẳng giới, thực thi pháp luật không hiệu quả, các hành động phá hủy môi trường sống và khai thác quá mức. Để giải quyết những thách thức nêu trên, chúng ta cần triển khai các chương trình giáo dục trường học, cộng đồng cùng các chương trình khác nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng. 

Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo tồn không chỉ cho học sinh, giáo viên mà cho cả cộngđồng tại địa phương, trao quyền cho họ quản lý và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên của chính mình.

CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Truyền cảm hứng và giáo dục cho học sinh

Việt Nam là quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao với hàng nghìn loài đặc hữu. Tuy nhiên, trẻ em Việt Nam, thế hệ tương lai của đất nước lại có ít cơ hội học tập, khám phá và tiếp cận với động vật hoang dã (ĐVHD) và thế giới tự nhiên. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã phát triển các chương trình và hoạt động giáo dục cho trẻ em từ 7 đến 15 tuổi, ở quanh các vườn quốc gia (VQG), khu bảo tồn, tại nông thôn và các thành phố trên khắp Việt Nam theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

THÀNH QUẢ NỔI BẬT

Các chương trình và hoạt động được thiết kế nhằm cung cấp các thông tin, kiến thức cũng như thay đổi thái độ của cộng đồng về công tác bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam. Không chỉ vậy, chúng tôi mong muốn nâng cao nhận thức của học sinh, giáo viên và cả cộng đồng địa phương về tầm quan trọng của công tác bảo tồn, trao quyền cho họ tự quản lý tài nguyên của chính mình.

0
học sinh được tiếp cận các hoạt động giáo dục;
0
đầu sách được tặng cho các Thư viện
0
Thư viện hoang dã được thành lập ở 7 tỉnh.

Ngoài ra, WildAct cũng mong muốn thực hiện các triển lãm di động nhằm mang thông điệp bảo tồn các loài ĐVHD đang bị đe dọa và môi trường sống của chúng tới trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa ở Việt Nam. Nếu bạn mong muốn hợp tác, gây quỹ hoặc đồng tổ chức dự án, hãy LIÊN HỆ VỚI CHÚNG TÔI để thảo luận và lên kế hoạch

2. Tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương vào công tác bảo tồn

Việt Nam có 20 VQG và 14 khu bảo tồn thiên nhiên. Những khu vực này liền kề với các cộng đồng nghèo khó mà sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên rừng (động vật hoang dã, lâm sản từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và dược liệu). Những cộng đồng này có mối quan hệ mật thiết với rừng qua nhiều thế hệ. Hơn ai hết, họ hiểu rằng rừng có vai trò quan trọng đối với cuộc sống và họ cần phải bảo vệ.

Thông qua dự án, chúng tôi trao quyền cho người dân thành lập Ủy ban bảo tồn địa phương và Đội cộng đồng bảo tồn, truyền cảm hứng cho họ cùng tham gia lập kế hoạch, quản lý, và thực hiện các dự án bảo tồn trong khu vực sinh sống. WildAct luôn tích cực lắng nghe ý kiến, đánh giá nhu cầu, cung cấp cho cộng đồng địa phương các công cụ và hỗ trợ tài chính để hoàn thành công việc. Đồng thời, các chương trình của chúng tôi cũng cập nhật các quy định về bảo vệ ĐVHD với người dân địa phương cũng như những nỗ lực của các tổ chức và các đơn vị liên quan trong công tác bảo tồn. Chúng tôi mong muốn cộng đồng địa phương hiểu rằng toàn xã hội đang chung tay bảo vệ hệ sinh thái và nguồn sống của chính họ.

3. Hỗ trợ sinh kế người dân

Cộng đồng địa phương sống xung quanh các VQG và khu bảo tồn thường có lối sống, sinh kế và tập tục văn hoá phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Việc khai thác rừng đã dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, sự di cư của các loài ĐVHD và mất cân bằng hệ sinh thái. Chính những điều này đã làm giảm nỗ lực bảo tồn và ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương. Để làm giảm tác động tiêu cực tới tài nguyên thiên nhiên và hỗ trợ cộng đồng địa phương trong công tác bảo tồn, WildAct đã giúp người dân địa phương bán mật ong rừng nhằm tăng thu nhập. Bấm vào ĐÂY để mua mật ong hỗ trợ Đội cộng đồng bảo tồn ở Tuyên Hóa, Quảng Bình. Mỗi sản phẩm mật ong được bán ra, bạn đã giúp Đội cộng đồng bảo tồn mua dụng cụ tuần rừng, bảo hiểm an toàn cho những chuyến tháo gỡ bẫy, bảo vệ đàn Voọc ở Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Nỗ lực của Đội bảo tồn cộng đồng đã được đền đáp. Họ góp phần làm tăng số lượng Voọc Hà Tĩnh trong vùng từ 10 cá thể năm 2012 lên 156 cá thể vào năm 2022.


Để tăng hiệu quả bảo tồn Voọc Hà Tĩnh, WildAct đang hỗ trợ người dân và chính quyền địa phương bằng cách cung cấp các công cụ cần thiết cho công tác bảo tồn như giày đi rừng, quần áo bảo hộ, trợ cấp hàng tháng và hỗ trợ công tác khảo sát và tuần tra rừng. Tuy nhiên, những nỗ lực này hiện nay vẫn chưa đủ. Chúng tôi mong muốn nhận được thêm sự hỗ trợ từ cộng đồng nhằm giúp người dân tại đây mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ phát triển sinh kế bền vững dựa vào rừng, tháo gỡ bẫy, thường xuyên tuần tra rừng, quản lý số lượng Voọc và tuyên truyền đến mọi người về tầm quan trọng của việc bảo tồn Voọc tại địa phương. Đây là những công việc mà người dân ở đây làm trên tinh thần tự nguyện. Chúng tôi mong muốn tạo thêm động lực cho họ duy trì các hoạt động bảo tồn này cũng như nhân rộng ra nhiều khu vực khác.

Bên cạnh đó, WildAct cũng đang hợp tác với các công ty, đơn vị lữ hành tiềm năng để phát triển du lịch ở những khu vực này. Với mong muốn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, WildAct và đối tác mong muốn người dân địa phương tham gia trực tiếp và có thể tăngthu nhập từ mô hình này. Cùng với đó, WildAct đang tìm kiếm các doanh nghiệp xã hội nhằm hỗ trợ phát triển năng lực xây dựng và vận hành các mô hình doanh nghiệp nhỏ cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ . Từ đó họ có thể tự sản xuất và bán các sản phẩm địa phương một cách linh hoạt.