Hợp tác giữa các tổ chức bảo tồn
Hợp tác giữa các tổ chức bảo tồn
Với mục tiêu tạo ra các tác động toàn diện và lâu dài trong bảo tồn, WildAct sử dụng “Phương pháp tiếp cận có sự tham gia” trong việc thiết kế và triển khai các chương trình hoạt động. Chiến lược này nhằm thu hút nhiều cá nhân và tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn tại Việt Nam. Tùy từng chương trình, các cá nhân và đơn vị tham gia với vai trò quan trọng như tập huấn viên, khách mời, đồng tổ chức, học viên, và người tham gia. WildAct trân trọng cám ơn sự tham gia, hỗ trợ, và hợp tác của các cá nhân và đơn vị đối tác, đã góp phần tạo nên thành công cho chương trình hoạt động của WildAct nói riêng, và những giá trị tích cực cho các tổ chức và hoạt động bảo tồn tại Việt Nam nói chung. Hiện tại, WildAct đang tìm kiếm đối tác nhằm tiếp tục triển khai và nhân rộng chương trình Phát triển năng lực và Tăng cường bình đẳng giới trong bảo tồn.
Hợp tác về chương trình Phát triển năng lực bảo tồn
Từ năm 2019 đến nay, các khóa đào tạo nâng cao năng lực của WildAct đã thu hút nhiều chuyên gia và nhân viên từ hơn 20 tổ chức bảo tồn tham gia với vai trò tập huấn viên và diễn giả khách mời. Khách mời đến từ các tổ chức phi chính phủ quốc tế, tổ chức phi chính phủ địa phương, cơ quan Nhà nước, viện nghiên cứu, và đại sứ quán. Với mỗi khóa học, khoảng 6 trong số các tổ chức này đã nhận các học viên tốt nghiệp chương trình của WildAct làm thực tập sinh, nhằm hỗ trợ học viên thiết kế và thực hiện các dự án bảo tồn thực hành cá nhân. Một số học viên tốt nghiệp là nhân viên đang làm việc tại các tổ chức này.
Hợp tác về chương trình Tăng cường bình đẳng giới trong bảo tồn
WildAct phối hợp với các tổ chức đến từ nhiều lĩnh vực để giải quyết các vấn đề về Giới trong bảo tồn. Từ năm 2020 đến 2023, có đến 28 tổ chức đã tham gia vào các giai đoạn khác nhau của dự án “Giảm thiểu bạo lực giới trong ngành bảo tồn tại Việt Nam”.
Bên cạnh sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính đến từ nhà tài trợ USAID - Rise Challenge, WildAct phối kết hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), tổ chức có bề dày hơn 20 năm kinh nghiệm hoạt động về Bạo lực Giới tại Việt Nam, nhằm cùng thiết kế chương trình, tổ chức sự kiện, phát triển ấn phẩm và đánh giá dự án.
18 tổ chức bảo tồn đã tham gia và thiết lập “Địa chỉ tin cậy” tại nơi làm việc để tiếp nhận thông tin báo cáo vi phạm về bạo lực giới. Trong số này, có 5 tổ chức bao gồm Chương trình Bảo vệ Rùa Châu Á (ATP/IMC), Vườn quốc gia Cát Bà, Vườn quốc gia Pù Mát, Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), và Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) đã tổ chức tập huấn nội bộ về giới cho toàn thể nhân viên. Hai đơn vị gồm Vườn quốc gia Pù Mát và Tổ chức Tự do cho Gấu (FTB) tham gia nộp đề xuất cho cuộc thi “Sáng kiến vì một môi trường làm việc an toàn, bình đẳng” và được chọn nhận quỹ tài trợ nhỏ để thực hiện sáng kiến tại nơi làm việc. Ngoài ra, tất cả đơn vị, tổ chức đối tác đã tham gia góp ý điều chỉnh “Sổ tay Xây dựng chính sách an toàn” trước khi in ấn và gửi đến các tổ chức.